Nhân Kỷ niệm 32 năm ngày thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam (26/10/1990 – 26/10/2022). Khoa Y – Trường Đại Học Quang Trung xin kính chúc các Anh Chị Em Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật viên luôn tươi vui hạnh phúc, yêu Người, yêu Nghề, quyết tâm đổi mới, cùng nhau đoàn kết xây dựng Bệnh viện ngày càng phát triển.
Quá trình hình thành ngành điều dưỡng Việt Nam
Có thể nói, người đặt nền móng cho ngành điều dưỡng y học cổ truyền Việt Nam là hai danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông.
Những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Pháp cho xây dựng nhiều bệnh viện tại Việt Nam. Năm 1901, lớp điều dưỡng điều trị bệnh phong và bệnh tâm thần đầu tiên được mở tại bệnh viên Chợ quán. Sau đó, các lớp học điều dưỡng được mở ra tại các bệnh viện với chương trình đào tạo thiếu bài bản, sơ khai.
Những năm 50, hàng loạt các chiến dịch chống thực dân Pháp được Đảng và nhân dân ta thực hiện, nhu cầu chăm sóc bệnh binh tăng mạnh. Do vậy mà các lớp đào tạo điều dưỡng viên, y tá liên tục mở ra. Trong hoàn cảnh thiếu thốn của cách mạng, các điều dưỡng viên, y tá đã chăm sóc, điều trị giúp các chiến sĩ lành thương, đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét.
Trong kháng chiến chống Mỹ, mỗi miền đều mở các trường đào tạo điều dưỡng để phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Từ sau năm 1975, Bộ trưởng Bộ Y tế thống nhất chỉ đạo công tác điều dưỡng tại 2 miền. Năm 1985, Bộ Y tế mở khóa đào tạo đại học điều dưỡng đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong đào tạo điều dưỡng nước ta, coi ngành điều dưỡng là một ngành độc lập, riêng biệt trong hệ thống y tế. Năm 1990, Bộ Y tế ra quyết định thành lập phòng điều dưỡng tại các bệnh viện có trên 150 giường bệnh. Sau đó không lâu, Hội Y tá – Điều dưỡng Việt Nam ra đời.
Năm 1992, Phòng Y tá được thành lập thuộc Vụ Điều trị Bộ Y tế với nhiệm vụ phát triển công tác điều dưỡng trên cả nước thời đó. Ngày 13 tháng 8 năm 1997, Nhà nước đồng ý đổi tên Hội Y tá – Điều dưỡng thành Hội Điều dưỡng. Cho đến nay, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã có 800 chi hội và hơn 80.000 hội viên.
Năm 1989, Hội Điều dưỡng Hà Nội và Quảng Ninh ra đời thúc đẩy sự ra đời của các tỉnh hội điều dưỡng khác, đặt ra yêu cầu về một hội điều dưỡng chung trên cả nước. Ngày 26/10/1990, Chính phủ thông qua quyết định số 375 thành lập Hội Y tá – Điều dưỡng Việt Nam. Từ đó, ngày 26/10/1990 được xem là Ngày điều dưỡng Việt Nam.
Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam đầu tiên là ai?
Tại đại hội lần thứ nhất diễn ra tại hội trường Ba Đình, hội Y tá – Điều dưỡng Việt Nam bầu ra Ban chấp hành với nhiệm kì 03 năm gồm 31 ủy viên. Bà Vi Thị Nguyệt Hồ được bầu làm Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam đầu tiên, cùng với 3 phó chủ tịch khác là bà Trịnh Thị Loan, bà Nguyễn Thị Niên và ông Nguyễn Hoa.
Bà Vi Thị Nguyệt Hồ là vợ của bác sĩ, viện sĩ, giáo sư nổi tiếng Tôn Thất Tùng. Bà từng được xem là hoa khôi Hà Thành và là cháu nội của Tổng đốc Hà Đông Vi Văn Định. Trong suốt 22 năm đứng trên cương vị của mình, bà là người đi đầu và phát triển hệ thống điều dưỡng tại Việt Nam, là niềm tự hào của ngành điều dưỡng cả nước, là tấm gương say mê, tận tụy, nhiệt huyết với nghề. Bà nhận được rất nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương kháng chiến hạng III, Thầy thuốc ưu tú, Giải thưởng Cống hiến trọn đời,…
Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam hiện nay
Hiện tại, chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam là thạc sĩ Phạm Đức Mục nhiệm kì 2017 – 2020. Với mục tiêu trở thành tổ chức chuyên nghiệp trong xây dựng, đào tạo đội ngũ điều dưỡng viên có năng lực và đại diện cho tiếng nói của điều dưỡng Việt Nam, những năm qua, Hội không ngừng cố gắng và hoàn thiện, cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.
Trên đây là vài nét sơ bộ về sự hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng Việt Nam. Lịch sử ngành điều dưỡng Việt Nam là kết tinh kinh nghiệm dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, không ngừng đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe đất nước.
Ngọc Thiện