Trong nhiều thập kỷ, công nghệ đã trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia đang ngày càng tối ưu hóa những lợi ích mà công nghệ mang lại để phát triển các ngành nghề và tạo ra những thành phố tương lai.
Theo Nhandan.vn, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến công nghệ biến đổi từng ngày và trong năm 2023, một số công nghệ được kỳ vọng sẽ trở thành những yếu tố “thay đổi cuộc chơi” trong các lĩnh vực của nền kinh tế trong nước cũng như trên thế giới.
Trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ hơn bao giờ hết
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng một vai trò nổi bật trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Năm 2023 được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết của AI. Nó có khả năng tạo ra các hệ thống đàm thoại được cá nhân hóa cho khách hàng trong tất cả các ngành nghề.
Web 3.0 tạo ra một thế giới kết nối nhiều hơn
Là thế hệ thứ 3 của internet, Web 3.0 được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi khổng lồ đối với thế giới fintech. Web 3.0 kết nối dữ liệu theo cách phi tập trung (không phụ thuộc bên trung gian) để mang lại những trải nghiệm người dùng thú vị và được cá nhân hóa.
Các công nghệ như chuỗi khối (blockchain), tiền điện tử, token không thể thay thế (NFT) và các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) giúp thúc đẩy hệ sinh thái kỹ thuật số và nền dân chủ kỹ thuật số.
Metaverse biến khoa học viễn tưởng thành hiện thực
Metaverse là một nền tảng ảo tương tác có quy mô lớn giúp hiện thực hóa một số giấc mơ khoa học viễn tưởng của chúng ta. Nó không bị giới hạn trong một nền tảng cố định, và có thể tạo ra những trải nghiệm chung.
Trong thế giới nhập vai phong phú này, trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng để nhận diện ngôn từ, hình ảnh, video và văn bản, bất chấp các ngôn ngữ khác nhau của người dùng.
Đồng thời, metaverse cũng mang lại cơ hội vô cùng lớn cho các doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận và tương tác với khách hàng.
Thế giới hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu của metaverse, và có rất nhiều điều đáng mong đợi, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp thương mại điện tử, trò chơi và giải trí.
Điện toán lượng tử ngày càng được chú trọng
Các công ty toàn cầu đang tăng cường đầu tư vào điện toán lượng tử vì những bước tiến đột phá trong lĩnh vực này. So với máy tính thông thường, máy tính lượng tử có năng lực mạnh hơn rất nhiều trong thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, chẳng hạn như tìm hiểu các thiết kế pin mới hoặc phát minh các loại thuốc mới.
Có một xu hướng đáng chú ý khác, đó là điện toán lượng tử đang làm biến đổi lĩnh vực an ninh mạng. Trong vài năm qua, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực phát triển mã hóa an toàn lượng tử. Một trong số các dự báo về điện toán lượng tử cũng đã trở nên quan trọng đối với ngành mật mã học.
Bảo mật dữ liệu sẽ là ưu tiên hàng đầu
Trong khi công nghệ tạo ra những thay đổi mang tính đột phá, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu thậm chí sẽ càng trở nên cấp thiết hơn. Theo Gartner, công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn về công nghệ có trụ sở tại Mỹ, trong năm 2023, dữ liệu cá nhân của khoảng 65% dân số thế giới sẽ được bảo vệ bởi các quy định hiện đại về quyền riêng tư.
Bảo mật dữ liệu sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu của các công ty, và vấn đề này sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm tới.
Bên cạnh đó, với sự góp phần to lớn của sự phát triển của công nghệ đã đột phá ứng dụng mạnh mẽ vào các lĩnh vực như y tế, chỉnh sửa gen, khám chữa bệnh từ xa, sản xuất nội tạng theo yêu cầu,… khoa học vũ trụ, ngành năng lượng, sản xuất hàng tiêu dùng công nghệ cao, máy bay không người lái, ngành xe điện….
Với đà phát triển đột phá của công nghệ trên toàn cầu như hiện nay, vấn đề đặt ra vô cùng quan trọng cho ngành giáo dục là phải nắm bắt kịp thời sự phát triển của công nghệ và áp dụng vào đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang rất lớn.
Lao động trẻ qua đào tạo về công nghệ cao được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng.
Tại Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, theo một số khảo sát cho thấy, nhân lực ngành công nghệ thông tin đang thiếu hụt khá lớn, riêng năm 2021 thiếu khoảng 20 nghìn nhân lực. Trong khi đó, Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 đạt ít nhất 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số và có 1,5 triệu nhân viên trong lĩnh vực kỹ thuật số.
“Sự phát triển của ngành CNTT cũng như sự biến động của thị trường luôn đòi hỏi người làm công nghệ phải học hỏi liên tục, phát triển các kỹ năng toàn diện cũng như khả năng thích ứng nhanh với mọi biến đổi. Đặc biệt nhân sự công nghệ chất lượng cao là đối tượng săn đón của tất cả các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Vì thế, nhân sự CNTT quan trọng nhất bao nhiêu kinh nghiệm, tính chủ động thế nào, còn bằng cấp chỉ là một thành phần xem xét”, Giám đốc công nghệ Appota khẳng định.
(NH – Theo báo Nhandan).