“Theo tôi nhận định có thể rất nhiều người mang virus SARS-CoV-2 đang đi lại trong cộng đồng hoặc có những trường hợp F1 đã trở thành F0 mà chúng ta chưa truy vết được”, PGS.Huy Nga nói.
Dịch “tấn công” vào bệnh viện
PGS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam đang phải đối mặt với một đợt dịch vô vàn khó khăn thử thách. Nếu không kiểm soát tốt, Việt Nam có thể rơi vào tình trạng sự cố “cộng đồng” giống như tại Campuchia.
Mức độ phức tạp trong đợt dịch lần này được vị chuyên gia truyền nhiễm chỉ ra rất cụ thể như sau:
Điểm thứ nhất, đợt dịch này Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều ở ổ dịch ngoài cộng đồng và cả ổ dịch tại bệnh viện: Từ ổ dịch nhỏ đã trở thành những ổ dịch lớn lan ra nhiều tỉnh thành, ví dụ, ổ dịch tại Hà Nam, ổ dịch BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ổ dịch tại bar Sunny tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc…
Điểm thứ hai, một số ổ dịch chưa xác định được nguồn lây: Theo PGS Huy Nga diễn biến dịch bệnh ngày càng trở lên phức tạp vì nhiều ổ dịch đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây. Đơn cử như ổ dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trường hợp ca mắc tại Hà Nam, trường hợp mắc bệnh tại Đà Nẵng.
Điểm thứ ba, rất nhiều địa phương ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng: Đợt dịch lần này rất nhiều ca bệnh cộng đồng, những trường hợp này di chuyển, đi lại ở rất nhiều địa phương nên việc khống chế dịch rất khó khăn.
Điểm thứ tư là biến thể của Anh và Ấn Độ lây lan rất nhanh sẽ rút ngắn chu kỳ lây.
“Điểm thứ năm và cũng là điều đặc biệt là đợt dịch lần này lại xảy ra ở một số bệnh viện. Cụ thể đã có nhiều bệnh viện phải phong tỏa hoặc tạm dừng đón tiếp bệnh nhận: BV Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc); BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cơ sở 2 (Đông Anh, HN); Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An); Bệnh viện Phổi Lạng Sơn; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình; Bệnh viện Quân Y 105 (Sơn Tây, Hà Nội); Bệnh viện K…
Trong đó, có cả bệnh nhân, người nhà và bác sĩ đều bị mắc. Số lượng mắc và F1 lần này là rất lớn. Đặc biệt, trong dịp lễ vừa rồi việc đi lại diễn ra nhiều, nhiều cuộc ăn uống – giao lưu – liên hoan được tổ chức… nguy cơ phát tán virus ra cộng đồng là rất lớn. Theo tôi nhận định có thể rất nhiều người mang virus đi lại trong cộng đồng hoặc có những trường hợp F1 đã trở thành F0 mà chúng ta chưa truy vết được”, PGS. Huy Nga nói.
Sẽ có thể có trường hợp tử vong
Theo nhận định của PGS. Huy Nga đợt dịch này sẽ còn lây lan rộng trong cộng đồng trong những ngày tới sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc bệnh. Nếu nhiều người mắc sẽ xuất hiện những trường hợp nặng, có thể sẽ có trường hợp tử vong.
Ngoài ra, do các bệnh viện lớn như BV K, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ bị phong tỏa sẽ chậm thời gian điều trị của bệnh nhân. Một số trường hợp lo sợ dịch bệnh, bệnh viện phong tỏa không đi khám vô tình đánh mất đi cơ hội điều trị sớm bệnh.
“Như vậy, đợt dịch này sẽ khiến cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao như bệnh lý nền mất cơ hội điều trị và nguy cơ tử vong cao hơn”, PGS. Huy Nga nhận định.
PGS. Huy Nga: “Nguy cơ dịch bệnh lần này rất cao, dịch sẽ tiếp tục bùng phát trong cộng đồng và có thể kéo dài, thậm chí chúng ta có thể phải chung sống với dịch.
Hiện nay, chúng ta vẫn đang cố gắng tập trung truy vết, bao vây các trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát mạnh ngoài cộng đồng lúc đó chúng ta sẽ phải tập trung vào cứu chữa.
Đợt dịch lần này sẽ nguy hiểm và tổn thất nặng nề hơn so với các đợt dịch trước do nhiều địa phương phải giãn cách, chi phí cách ly, thuốc men, điều trị… sẽ tăng lên. Theo tôi nếu xếp mức độ cảnh báo thì đợt dịch lần này đang ở mức độ cảnh báo cao”.
Chuyên gia khuyến cáo, rất nhiều người vẫn đang chủ quan kinh thường dịch bệnh không tuân thủ 5K. Để dịch bệnh có thể khống chế được người dân cần phải tuân thủ khai báo y tế và thực hiện nghiêm túc 5K.
Khoa YTCC&ĐD (Tổng hợp từ soha.vn)